yeu thich 0
Công ty Cổ phần giám định Hapro control
ẢNH ĐẠI DIỆN

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam

Ngày: 06-05-2020 09:04:18 | Tin tức | Lượt xem: 710

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam

Tổng quan về dịch Covid-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (Covid-19) có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc hiện đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Tính đến 9 giờ sáng ngày 21/2/2020, trên thế giới đã có 76723 ca nhiễm bệnh khiến 2247 người tử vong theo công bố của WHO.

Theo Bộ Y Tế, Việt Nam hiện có 16 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Trước đó, Việt Nam được các tổ chức y tế đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 khá cao do có chung đường biên giới với Trung Quốc, lượng giao thương kinh tế, thương mại, du lịch giữa hai nước là rất lớn trong khi điều kiện khí hậu, thời tiết lại khá tương đồng. Tuy nhiên nhờ những chính sách, biện pháp ứng phó quyết liệt, kịp thời của Đảng và Chính phủ, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh.

Đánh giá tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam

Một số nghiên cứu gần đây của các tổ chức trên thế giới như Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS… đã đưa ra những nhận định về việc dịch bệnh Covid-19 có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7 điểm % trong năm 2020, tùy thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng của Việt Nam trong trường hợp khống chế được dịch trong Qúy 1- 2020 và trong Qúy 2 – 2020 lần lượt được dự báo là 6,25% và 5,96%, giảm tương ứng 0,55 và 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Đối với lĩnh vực ngoại thương, trong quý 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) được dự báo giảm 19-25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, xuất khẩu giảm 19-20% và nhập khẩu giảm khoảng 25%). Tương tự trong quý 2, mức giảm xuất khẩu khoảng 15-16% và nhập khẩu giảm khoảng 20%. Đến nửa cuối năm, dự báo XNK được kỳ vọng phục hồi dần theo diễn biến tích cực của dịch bệnh. Tính chung cả năm, xuất khẩu giảm khoảng 10%, nhập khẩu giảm khoảng 11%.

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất (chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu). Tuy nhiên, thương mại hai nước Việt - Trung trong Quý 1, Quý 2 và cả năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng do Trung Quốc đang hạn chế thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch Covid-19.

Do đó, các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc như nông - thủy sản (20%) có khả năng gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cũng chịu những tác động tiêu cực (nhất là trong Quý 1 và Quý 2/2020) do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng (trong khi tồn kho và nguồn thay thế còn hạn chế). Cụ thể, Trung Quốc là đối tác lớn của Việt Nam trong việc cung cấp hàng dệt may, da giày (chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu), hóa chất và sản phẩm từ hóa chất (30,6%), chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo (25,7%). Do đó, những ngành cần sử dụng những nguyên liệu này chịu nhiều ảnh hưởng nhất.

Nhóm giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp của Chính phủ

Nhằm đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch, Chính phủ cũng ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước, nhiều ngân hàng triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay, giãn nợ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có những chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như giảm phí điện, nước …Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ ban ngành cũng đang nghiên cứu những giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Hiện nay vẫn còn khá sớm để đánh giá đầy đủ và chính xác về tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với xã hội và nền kinh tế, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng cần liên tục cập nhật và phối hợp ứng phó kịp thời đối với những diễn biến mới của dịch Covid-19.

0934.785.888
0936.936.141